Quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại

Luật sư Ngọc Diệp

Có thể nói rằng nhượng quyền thương mại đang là trào lưu trong giới kinh doanh hiện nay. Trước đây khái niệm nhượng quyền thương mại còn khá mới mẻ, lạ lẫm và thường được áp dụng với những chuỗi cửa hàng ăn uống được du nhập từ nước ngoài.

   Hiện nay, nhượng quyền thương mại đã trở nên phổ biến và được các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước áp dụng một cách triệt để. Không những thế, các khóa học về nhượng quyền thương mại cũng được mở ra để chia sẻ cho các start-up. Các doanh nghiệp nhượng quyền hoặc các khóa học nhượng quyền thường tập trung vào các vấn đề về quản lý, vận hành và doanh thu nhưng lại không nhắc đến các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại.

   Nhượng quyền thương mại mang lại những ưu thế cho cả bên nhượng quyền lẫn bên nhận nhượng quyền. Nhượng quyền thương mại giúp bên nhượng quyền phát triển hệ thống một cách nhanh chóng, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ ổn định nhưng không cần phải bỏ ra quá nhiều vốn đầu tư. Còn bên nhận nhượng quyền thì không cần quá lo lắng vì mình không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh đó mà chỉ cần bỏ ra một số tiền để nhận nhượng quyền từ bên nhượng quyền thì đã có quy trình kinh doanh, vận hành do bên nhượng quyền có kinh nghiệm cung cấp và hỗ trợ. Có thể nói rằng quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề then chốt, cốt lõi nhất trong nhượng quyền thương mại mà không có nó chuỗi nhượng quyền sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa được xem trọng. Theo Điều 248 Luật thương mại 2005 quy định:

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Như vậy có thể thấy rằng hàng hóa hoặc dịch vụ nhượng quyền sẽ được gắn với nhãn hiệu, tên thương mại… Vậy vấn đề đặt ra là nhãn hiệu có bắt buộc phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay chỉ cần được bên nhượng quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là được? Và các tranh chấp, rủi ro về mặt pháp lý có thể bắt nguồn từ đây.

Thực tế cho thấy rằng, một người có thể không cần đăng ký nhãn hiệu nhưng vẫn được sử dụng nhãn hiệu đó cho hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh. Tuy nhiên, họ chỉ được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó và có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình khi họ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Như vậy có thể thấy, một doanh nghiệp trong nước có thể nhượng quyền thương mại hàng hóa, dịch vụ gắn với nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Thực tế thì khi tìm hiểu và ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền chỉ chú trọng vào doanh thu, khả năng thu hồi vốn, lợi nhuận mình sẽ nhận được chứ không mấy quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ. Chính điều này sẽ mang lại rủi ro cho cả bên nhượng quyền lẫn cả bên nhận nhượng quyền.

Có hai tình huống có thể xảy ra như sau:

   Một là, bên nhượng quyền chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền nhưng đã ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại để phát triển hệ thống kinh doanh. Việc kinh doanh mang lại hiệu quả, nhãn hiệu tạo được uy tín và được nhiều người biết đến thì có bên thứ ba sử dụng nhãn hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của bên nhượng quyền, trực tiếp cạnh tranh với cả bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền. Với tình huống này, bên nhận nhượng quyền và bên nhượng quyền đều có khả năng bị giảm sút doanh thu, bị ảnh hưởng về uy tín nhưng không có biện pháp xử lý bởi vì nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ dẫn đến không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình được quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật SHTT.

   Hai là, nhãn hiệu của bên nhượng quyền tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của chủ thể khác kinh doanh trong cùng lĩnh vực nhưng bên nhượng quyền đã không biết đến điều đó. Điều này dẫn đến tình huống, chủ thể của nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ gửi thư khuyến cáo yêu cầu chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu hoặc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước tiến hành xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Lúc này, bên nhượng quyền đối mặt với việc bị xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bồi thường thiệt hại liên quan đến hợp đồng nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền cũng có thể là bên bị khiếu nại và bị xử phạt vi phạm hành chính do hành vi xâm phạm nhãn hiệu nêu trên và buộc phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu. Thử hỏi, nếu đã xây dựng thương hiệu, đầu tư cơ sở vật chất gắn với nhãn hiệu để kinh doanh nhưng rồi lại không được sử dụng nhãn hiệu đó thì chi phí đã bỏ ra sẽ coi như đổ sông, đổ biển.

Kinh doanh nhượng quyền thương mại có thể thành công hoặc thất bại sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng nếu nhượng quyền thương mại mà nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ thì không những rủi ro về mặt pháp lý mà còn thiệt hại rất lớn về kinh tế. Vậy nên, lời khuyên cho những ai muốn nhận nhượng quyền thương mại là quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu đã được cấp bằng bảo hộ hay chưa trước khi xem xét đến các vấn đề về lợi nhuận, vận hành hay thu hồi vốn.