Quyền tác giả là quyền được bảo hộ tự động, tuy nhiên để tránh phát sinh tranh chấp về sau, nhà nước khuyến khích những người có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải đi đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm của mình trước khi công bố đến công chúng. Vậy trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả được thực hiện như thế nào? Trong bài viết này, An Định sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin cần thiết để thực hiện thủ tục.
Trước hết, để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả cần phải thỏa mãn điều kiện là tác phẩm này được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác (khoản 2, Điều 13, Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 và 2019) và tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác (khoản 3, Điều 14, Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009).
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm báo chí; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu; tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự; tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Tác phẩm phái sinh (trường hợp tác phẩm phái sinh không gây phương hại đến quyền tác giả và sản phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh).
Có thể thấy, đối tượng được bảo hộ quyền tác giả khá rộng, vì vậy trong bài viết này, An Định sẽ tập trung vào đối tượng là tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (ký tự khác là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau – Điều 7, Nghị định 22/2018/NĐ-CP).
Trình tự, thủ tục đăng ký
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
Các văn bản cần chuẩn bị bao gồm:
Tờ khai đăng ký quyền tác giả; (mẫu tờ khai được Bộ văn hóa thể thao và du lịch quy định);
02 bản sao tác phẩm;
Giấy ủy quyền (trường hợp ủy quyền cho người khác nộp);
Văn bản đồng ý của đồng tác giả (trường hợp có đồng tác giả);
Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu (trường hợp quyền tác giả thuộc sở hữu chung);
Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ;
Bước 2. Thực hiện công chứng, chứng thực
Các văn bản trong hồ sơ nếu là bản sao phải thực hiện công chứng, chứng thực đúng với bản gốc trước khi nộp cho cơ quan có thẩm quyền;
Các văn bản trên nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng việt và công chứng, chứng thực.
Bước 3. Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì nộp hồ sơ tại Cục bản quyền tác giả;
Nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện.
Bước 4. Nộp lệ phí
Mức thu phí là 100.000 đồng/1 giấy chứng nhận;
Nộp đến Cục bản quyền tác giả cùng lúc với nộp hồ sơ đăng ký;
Bước 5. Nhận hồ sơ, trả kết quả
Sau 15 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, Cục bản quyền tác giả sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn;
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, không chấp nhận cấp giấy chứng nhận thì Cục gửi thông báo cho người nộp đơn.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ được ghi nhận trong sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
Quyền tác giả sẽ được bảo hộ vô thời hạn đối với quyền nhân thân bao gồm các quyền:
+ Đặt tên cho tác phẩm;
+ Đứng tên trên tác phẩm;
+ Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
(Khoản 1 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 và 2019)
Quyền tác giả đối với quyền tài sản và quyền nhân thân được quy đinh tại khoản 3 Điều 19 được bảo hộ theo quy định của điểm khoản 2 Điều 27 như sau:
+ 75 năm đối với tác phẩm là tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; (điểm a khoản 2 Điều 27);
+ 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình (điểm a, khoản 2 Điều 27);
+ Đối với tác phẩm khuyết danh, khi thông tin về tác giả xuất hiện, thì thời gian bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và thêm 50 năm kể từ khi tác giả mất; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. (điểm b khoản 2 Điều 27);
+ Thời hạn bảo hộ được quy định tại điểm a, b, khoản 2, Điều 27 sẽ chấm dứt vào 24h ngày 31/12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả (điểm c khoản 2 Điều 27).
Trên đây là bài viết về đăng ký bảo hộ quyền tác giả An Định gửi đến quý khách. Nếu có thắc mắc hay mong muốn tư vấn pháp luật nào khác, quý khách vui lòng liên hệ An Định qua các địa chỉ liên lạc dưới đây:
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AN ĐỊNH
Địa chỉ: 3B Tô Hiệu, Phường Tân Thới Hòa, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh
Mã số thuê: 0315933056
Điện thoại: 0902 933 018
Email: tuvanandinh@gmail.com